Trong 2 năm trở lại đây, mối quan tâm của các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch ở Việt Nam đã lên cao trào. |
Chạy đua sản xuất sạch
Vào tháng 12/2019, khi đề nghị các tỉnh tạm dừng đề xuất các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FiT, Bộ Công thương cũng cho hay, sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời, đã có 135 dự án với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Ngoài ra, theo công bố của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trên diễn dàn Quốc hội kỳ họp cuối năm có cho hay, còn có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch.
Không chỉ lao như thiêu thân về phía điện mặt trời, các nhà đầu tư tư nhân còn dang cánh bay vào điện gió.
Báo cáo Chính phủ ngày 19/3 vừa qua, Bộ Công thương cho hay, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực trong 2 năm trở lại đây là khoảng 4.800 MW, dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ.
Cũng tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương nhận được đề xuất của UBND các tỉnh với tổng cộng gần 250 dự án điện gió, có tổng công suất khoảng 45.000 MW.
Đáng nói là tới nay, cũng mới chỉ có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành, với quy mô công suất 350 MW.
Không so bì với các dự án điện mặt trời, điện gió có quy mô đa phần vài chục MW, các dự án điện dùng khí LNG được đề nghị trong khoảng 1 năm qua đều cho thấy bóng dáng những dự án khủng.
Báo cáo của Bộ Công thương đã cho biết, ngoài các trung tâm/cụm điện khí LNG đã được quy hoạch và bổ sung Quy hoạch điện với công suất 9.200 MW, hiện còn có 9 trung tâm/cụm điện khí LNG mới đang được nghiên cứu ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất xấp xỉ 34.000 MW.
Ngoài ra, còn có 2 đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sử dụng từ than/dầu sang sử dụng LNG với tổng công suất sau chuyển đổi là 5.700 MW của Nhà máy Nhiệt điện dầu Hiệp Phước và Trung tâm Điện lực Long An vừa được Chính phủ đồng ý.
Như vậy, tổng công suất các đề xuất làm dự án điện khí LNG đã lên tới gần 50.000 MW.
Những báo cáo của Bộ Công thương về các đề nghị làm điện sạch trong 2 năm trở lại đây cho thấy tổng công suất các dự án điện gió, mặt trời và LNG đã lên tới gần 150.000 MW.
So với thực tế công suất nguồn điện của các nhà máy trong hệ thống hiện là khoảng 55.000 MW có được sau gần 70 năm phát triển của ngành điện, có thể thấy rõ mối quan tâm của các nhà đầu tư vào làm điện đã thay đổi mạnh mẽ.
Nút thắt chính sách
Mặc dù mối quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tăng mạnh ở các dự án điện sạch, tuy nhiên tỷ lệ các dự án đi vào hoạt động vẫn rất khiêm tốn.
Đơn cử với điện mặt trời, ngoài 4.400 MW đã đi vào vận hành, trong năm 2020 có bao nhiêu dự án sẽ đi vào vận hành vẫn là một ẩn số.
Nguyên do, hiện đã kết thúc tháng 3/2020, mà vẫn chưa có giá FiT cho các dự án vào vận hành từ 1/7/2019 đến hết năm 2020. Ngay chuyện cơ chế đấu giá cho các dự án thực hiện sau năm 2020 dù có định hướng nhưng các quy định vẫn còn đang rất mông lung nên nhiều nhà đầu tư không dám mạnh tay.
Nhiều nhà đầu tư cũng cho Báo Đầu tư hay, việc mua thiết bị cho các dự án điện mặt trời hiện nay không dễ như thời điểm cuối năm 2018, khi Trung Quốc dư thừa các tấm pin mặt trời. Tuy nhiên, đầu năm 2020, đất nước sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới này đã có những chính sách mới, cũng như lượng pin dư thừa đã giảm mạnh, nên việc mua thiết bị không dễ và nhanh chóng như trước nữa.
Ở điện gió, chính sách giá mua điện hiện chỉ áp dụng tới trước ngày 1/11/2021, nên các nhà đầu tư điện gió nếu không vắt chân lên để mua tua bin và xây dựng thì cũng không kịp. Đáng nói là thị trường điện gió hiện đang có sự cạnh tranh mạnh từ Hàn Quốc, Đài Loan, khiến các nhà sản xuất tuabin không mặn mà với thị trường Việt Nam.
“Giá mua tuabin không biến động lớn nhưng để mua được tuabin, nhà sản xuất yêu cầu các chủ đầu tư phải mua thêm các gói bảo hành, bảo dưỡng cho cả đời dự án với chi phí rất cao, khiến giá thành đầu tư bị đội lên nhiều”, ông Lê Anh Tùng, một nhà đầu tư điện gió cho hay.
Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư đang kiến nghị Chính phủ cho kéo lùi thời gian áp dụng mức giá mua của điện gió tới hết năm 2022 để không bị nhà cung cấp thiết bị ép giá. Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì lại là một câu hỏi không dễ có lời giải ngay trong tháng 4/2020 như các nhà đầu tư mong đợi.
Ở các dự án điện khí LNG, với quy mô vốn đầu tư lớn hàng tỷ USD, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố không cấp bất kỳ bảo lãnh nào, nên việc triển khai thu xếp vốn cũng là thách thức không nhỏ với nhà đầu tư.
Thực tế này cũng cho thấy, mong đợi gia tăng tỷ trọng của điện sạch, nhằm làm thay đổi cơ cấu nguồn phát hiện nay vẫn sẽ chỉ dừng lại ở khát vọng nếu không có chính sách cụ thể.
Nguồn: Sưu tầm (LH-200406)