Trong số những biện pháp đối phó với thực trạng thiếu hụt năng lượng ở Việt Nam, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là biện pháp hữu hiệu nhất đối với ngành công nghiệp, bởi tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành rất lớn, đồng thời các giải pháp tiết kiệm năng lượng xét về mặt kinh tế cũng tương đối khả thi đối với các doanh nghiệp.
Tại Hội thảo tổng kết Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - khẳng định, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/3/2019, đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc trong giai đoạn 2019 - 2025 và từ 8% - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp rất lớn |
“Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ cũng đã và đang nhận được hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” là một phần trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” - ông Trịnh Quốc Vũ cho hay.
Dưới sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc, dự án tập trung hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các công ty dịch vụ năng lượng và các trung tâm tiết kiệm năng lượng) và các cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Thông qua hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm, họ có cơ hội được triển khai tất cả các bước thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Dự án được thiết kế nhằm góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) và tạo môi trường thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2020, gồm 3 hợp phần chính.
Trong hai hợp phần đầu tiên, dự án tập trung nâng cao năng lực xây dựng dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cho các cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng và công ty dịch vụ năng lượng, cũng như xác định các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng khả thi trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Ở hợp phần cuối cùng, dự án ưu tiên tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp tìm kiếm dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng hiệu quả nhất; kết nối các doanh nghiệp với các ngân hàng, đơn vị tài trợ; hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch, thực hiện thủ tục vay vốn và triển khai dự án.
Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.409 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Kết quả, 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất. Thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD/năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm, với mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm.
Nguồn: ST (QN-200204)
#Động cơ giảm tốc Bonfiglioli #Hộp giảm tốc Bonfiglioli # Bonfiglioli #bonfig #Động cơ điện Bonfiglioli #Biến tần Bonfiglioli #Tiết kiệm năng lượng #năng lượng #Đánh thức tiềm năng