Tại hội thảo, ông John Kerry khẳng định biến đổi khí hậu không còn là điều mơ hồ nữa mà đang hiện hữu và diễn ra ngày càng nhanh hơn, đe dọa đời sống của tất cả người dân trên thế giới. Nếu chỉ có Mỹ hay Trung Quốc giảm phát thải về 0 thì cũng không thể tạo sự thay đổi đáng kể. Bởi, nhu cầu về than của Đông Nam Á vẫn đang tăng và sẽ tăng cao nhất so với thế giới.
Ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie phát biểu tại hội thảo |
“Chúng ta đang khai thác than rất lớn. Kể cả áp dụng công nghệ mới với than thì đây vẫn là nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất" - cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ và cho rằng, hiện thách thức của mỗi quốc gia là khác nhau nhưng nhu cầu đều giống nhau đó là năng lượng. Lựa chọn của chúng ta về năng lượng là phải chú ý đến biến đổi khí hậu.
Ông John Kerry cũng bày tỏ lo ngại Việt Nam đang có mức sử dụng than cao, tăng 75% trong vòng 5 năm qua. “Tôi đã nói chuyện với ông Nguyễn Văn Bình và nhận được sự đồng thuận phải giảm tỷ lệ này" - ông John Kerry nói.
Vị cựu Ngoại trưởng còn thông tin thêm, ở Mỹ hiện nay 75% nguồn điện được đưa vào điện lưới thời gian qua là điện mặt trời. Điện than chỉ còn chiếm 0,2%. Mỹ không còn nghĩ tới việc xây dựng những nhà máy điện than nữa. Ngày nay gió, thủy điện, điện mặt trời, khí tự nhiên... kể cả điện hạt nhân đang được xây dựng để giải quyết vấn đề phát thải.
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng: Thách thức và cơ hội cho Việt Nam |
Trong khi đó, ở Việt Nam, từ năm 2008, ô nhiễm đã tăng rất nhiều lần. Trong năm 2017 có 5 nguyên nhân dẫn đến tử vong lớn nhất ở Việt Nam thì 2 trong số đó liên quan ô nhiễm không khí, môi trường. "Hãy sử dụng năng lượng sạch ngay từ hôm nay, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch..." - ông John Kerry cho biết.
Theo ông John Kerry, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về năng lượng sạch. Thủy điện mới khai thác được 31%, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí thiên nhiên đều có tiềm năng phát triển lớn. Vấn đề là phải cân bằng, kết hợp các nguồn năng lượng như thế nào, phải tính làm sao để năng lượng mặt trời mất đi, sẽ bù đắp bằng năng lượng gió như nào, vì thế chúng ta cần dự trữ pin lớn hơn.
"Tại sao Việt Nam không áp dụng cơ chế hỗ trợ giá từ điện sạch, gọi vốn?Tại sao không thúc đẩy đầu tư hệ thống truyền tải với sự tham gia của tư nhân? Tại sao không thúc đẩy vào đầu tư pin trữ lớn và sử dụng số hóa truyền tải điện. Tại sao chúng ta không sử dụng điện mặt trời trên mái? khi đây là cơ hội đầu tư giá rẻ mà ai cũng có thể là khách hàng, đối tác của điện lực" - ông John Kerry bày tỏ.
Đồng thời, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, chúng ta không cần thiết phải là "tù nhân", phụ thuộc vào năng lượng than; phụ thuộc than là quyết định tương lai không tươi sáng, chúng ta cần hướng đến nguồn năng lượng tái tạo bền vững, giảm phát thải CO2 càng nhiều càng tốt.
nguồn: Báo công thương