Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết tại cuộc họp trực tuyến mới đây, ngoài các kịch bản ứng phó kinh doanh, công ty đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Theo đó lãi suất vay ngắn hạn được điều chỉnh vào nhóm thấp nhất trên thị trường; thời gian thanh toán các khoản vay mới được kéo dài; đồng thời một phần nợ ngắn hạn chuyển sang trung và dài hạn để giảm áp lực về dòng tiền.
MWG cho biết tổng nợ vay ngắn hạn hiện đã giảm 25% so với thời điểm cuối tháng 12.2019. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2019, tổng nợ MWG phải trả là 29.564 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 96%, tăng hơn 54% so với thời điểm đầu năm. MWG có khoản vay ngắn hạn hơn 13.000 tỉ đồng đến từ nhiều nhà băng theo hình thức vay tín chấp như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, Muziho Bank, HSBC…
MWG là một trong nhiều doanh nghiệp đang phải cơ cấu lại các khoản vay, và sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ theo thông tư 01, được Ngân hàng Nhà nước ban hành làm cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân vay vốn bị thiệt hại bởi Covid-19.
Nhiều nhà băng đã triển khai giải pháp đến khách hàng. Tại cuộc họp trực truyến cuối tháng 3, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết tổng dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại ngân hàng này đã lên hơn 112.700 tỉ đồng. Vietcombank đã hạ lãi suất xuống thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung.
Tính từ thời điểm dịch bùng ngày 23.1 đến nay, Vietcombank đã cho vay mới hơn 41.200 tỉ đồng để khách hàng duy trì sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời được giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay hơn 8.200 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng tiếp tục xem xét các trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỉ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong buổi làm việc trực tuyến đầu tháng 4, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố tiếp tục giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, BIDV cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng tiền đồng). Mức giảm tùy thuộc mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với khoản vay mới, BIDV cung cấp các gói tín dụng hỗ trợ như lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31.12.2019. BIDV này cho biết, ở đợt giảm lãi suất cho vay này, dự kiến giảm khoảng 2.400-3.000 tỉ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn.
Với phần lớn khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) vừa công bố chương trình đồng hành thứ hai với mức giảm lãi suất 2% cho các SMEs bao gồm khách hàng hiện hữu và vay mới.
VPBank nhấn mạnh điều kiện được giải ngân là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận tải; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu chiếm tối thiểu 50% doanh thu 2019 và có nguồn nguyên liệu tối thiểu 50%; doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên chính sách đi kèm một số điều kiện như doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ; tình hình tài chính ổn định, minh bạch.
Trước đó,từ cuối tháng 1, VPBank đã triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19 bao gồm giảm lãi suất tới 1,5%/năm, đánh giá tác động của dịch tới việc kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp qua đó đưa ra giải pháp giãn nợ, tái cấu trúc nợ.
Ông Nguyễn Hưng, tổng giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, ngay sau khi NHNN ban hành Thông tư 01, ngân hàng cũng cơ cấu nợ, giãn nợ đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất giảm 1,5-2,5% với tổng giá trị lên tới 12.000 tỉ đồng.
Ngoài ra có khoảng 40.000-50.000 tỉ đồng dư nợ được xem xét để ân hạn nợ, miễn/giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới/tái cấp hạn mức để ổn định sản xuất kinh doanh, theo đúng quy định của Thông tư 01. Cùng với đó khoản dư nợ 30.000 tỉ đồng được xem xét giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% so với lãi suất trên hợp đồng. Tính đến hết quý I, TPBank đã cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỉ đồng.
Làn sóng hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 cũng được các ngân hàng nước ngoài hưởng ứng. Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19, Standard Chartered Việt Nam cho biết sẽ cung cấp gói tài chính 1 tỉ USD theo cam kết toàn cầu của ngân hàng này dành cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ giúp phòng chống dịch và các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm có nhu cầu cấp thiết để ngăn chặn đại dịch.
Cụ thể của gói tài chính nhắm đến các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong dược phẩm/sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng như các công ty ngoài lĩnh vực y tế nhưng tình nguyện tham gia vào sản xuất các sản phẩm như máy trợ thở, mặt nạ, khẩu trang, dụng cụ bảo vệ, sản phẩm và dụng cụ vệ sinh và các mặt hàng tiêu dùng liên quan khác.
“Các cá nhân và doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá và xem xét các phương án để có thể hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả trong thời gian tới," ông Nirukt Sapru, tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á của Standard Chartered cho biết.
Nguồn: Sưu tầm (LH-200406)