Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ đan xen cùng thách thức |
Khi làn sóng đổi mới đổ bộ vào ngành công nghiệp trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 với tầm nhìn đến năm 2035, đẩy mạnh phát triển với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu với chỉ tiêu xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí cho năm 2035. Cùng với bối cảnh chiến tranh thương mại tăng cao, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “công xưởng mới” của thế giới. Đặc biệt, khu vực các tỉnh phía Bắc Việt Nam với lịch sử phát triển cơ khí lâu đời, thuận lợi về vị trí địa lý để đón nhận luồng dịch chuyển sản xuất và hấp dẫn vốn đầu tư cao - với số vốn đầu tư cao nhất cả nước đạt 4,87 tỷ USD tại thành phố Hà Nội… là những cơ hội hớn cho doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, trước những tác động mạnh mẽ của làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cơ khí tại Việt Nam sẽ phải đương đầu với không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu… và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới.
Chính vì vậy, hội thảo lần này nhằm gợi mở ra những bước đi tiền đề cho doanh nghiệp Việt Nam trên con đường tìm kiếm lời giải bài toán phát triển bền vững; cũng như việc tận dụng thời cơ, nhận diện những lợi thế và thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại. Qua đó, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ phải đề ra những chiến lược như thế nào có thể làm chủ được công nghệ để tự tin “đứng trên vai người khổng lồ” và bắt kịp lợi thế cạnh tranh trong thời đại “Thế giới phẳng” trong hiện tại và tương lai.
Hội thảo dự kiến chào đón hơn 100 khách tham dự, gồm các cơ quan ban ngành, chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế tạo và cơ khí.