Tăng cả lượng và chất
Nhận định của chuyên gia, sau khi Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2015, Chương trình phát triển CNHT ra đời, các biện pháp chính sách về CNHT mới thực sự đi vào cuộc sống và CNHT mới bắt đầu khởi sắc, hưởng lợi từ chính sách.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong ngành CNHT tính đến nay có khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày; chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các DN CNHT tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.
Hiện nay, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam đã có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Do năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước dần được cải thiện nên kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng cũng đã đạt khoảng hơn 26 tỷ USD. Nếu tính cả các ngành CNHT cho dệt may, da - giày, kim ngạch xuất khẩu CNHT của Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu cho các ngành CNHT của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Cũng nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể: Đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy. Một số dòng xe ô tô đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa.
Tập trung vào các giải pháp lớn
Mặc dù bước đầu đạt được những kết quả nhất định, song việc phát triển CNHT ở Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế, cả về chính sách, quy mô và năng lực của các DN CNHT cũng như khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT trong nước...
Vì vậy, để có thể đẩy nhanh quá trình phát triển trong lĩnh vực này, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để đảm bảo đầu vào cho các ngành CNHT cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Là cơ quan đầu mối trong việc xây dựng chính sách và quản lý, Bộ Công Thương cho hay, thời gian tới Bộ tập trung vào những định hướng, giải pháp lớn, đó là: Xây dựng chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững; bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và CNHT; đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các DN CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Bộ Công Thương cho biết thêm, thời gian tới sẽ đẩy mạnh, tăng cường thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các DN đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu. Đặc biệt, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các DN chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tập trung vào giải pháp: Xây dựng chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT; bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và CNHT; đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. |
Giải pháp hỗ trợ sản xuất Ứng dụng cho công nghiệp
Nguồn: Báo công thương