Các dự án PPP thực hiện trên nhiều lĩnh vực
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tính đến cuối năm 2018 cả nước đã có 289 dự án PPP thực hiện với tổng số vốn tương đương 54 tỷ USD, trong đó có 207 dự án về giao thông, 18 dự án năng lượng và nhiều dự án lĩnh vực văn hóa, giải trí khác.
Các dự án đầu tư hạ tầng cần sự kết hợp nguồn vốn của nhà nước và tư nhân bằng hình thức đầu tư PPP |
Tính riêng Bộ Giao thông Vận tải, đến tháng 9/2018 đã huy động được khoảng 209.732 tỷ đồng vào 68 dự án PPP. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 61 dự án với tổng mức đầu tư gần 178.660 tỷ đồng, đang triển khai 7 dự án với tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 104 dự án (tổng vốn 144.792 tỷ đồng) đầu tư các công trình xây dựng dưới hình thức PPP từ 41 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, 51 dự án (với vốn đầu tư 34.985 tỷ đồng) đã hoàn thành và được đưa vào khai thác. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương thu hút dự án PPP lớn nhất cả nước.
Riêng ở TP. Hồ Chí Minh hiện đã có 23 dự án hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt trên 71.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố có 130 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư, với tổng số vốn dự kiến xấp xỉ 400 ngàn tỷ đồng và tiếp tục kêu gọi 243 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 869.420 tỷ đồng.
Theo bà Đặng Huỳnh Mai- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hình thức đầu tư PPP được xem là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy định pháp luật hiện hành việc thực hiện cơ chế đầu tư PPP còn vướng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công. Do đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện nội dung này trong quá trình xây dựng Luật PPP.
Gỡ vướng dự án PPP giao thông vận tải
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT- BGTVT hướng dẫn chi tiết về lĩnh vực đầu tư và nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức PPP thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, các báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức PPP bao gồm các nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 63/2018/NĐ- CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Thông tư này. Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu khả thi phải bao gồm các nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2018/TT- BKHĐT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với dự án có cấu phần xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi phải bao gồm thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật xây dựng.
Đặc biệt, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bộ sẽ nghiên cứu, tổng hợp các nội dung được kế thừa từ Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP, kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP và ý kiến của các nhà đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xác định phạm vi, quy mô dự án, hợp đồng, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, quyết toán hợp đồng, việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất trong quá trình thực hiện dự án…
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để thúc đẩy và triển khai các dự án PPP thành công, các bên tham gia phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. Ngoài ra, cần khung pháp lý, quy định và thể chế cũng phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.
Nguồn: Báo công thương