Tín hiệu mừng
Thời gian qua đã chứng kiến nhiều DN đẩy mạnh đầu tư cho KH&CN. Điển hình như Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH&CN ứng dụng với mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ na-nô, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới. Quỹ có mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển đã liên tục gia tăng |
Cùng với việc thành lập quỹ, Tập đoàn Vingroup còn ra mắt Công ty Phát triển công nghệ VinTech; Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn; Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech; ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam; đồng thời công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Đây là hoạt động đầu tư lĩnh vực KH&CN có ý nghĩa của một DN lớn.
Với quyết tâm mang tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc sở hữu công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn có 1.300 kỹ sư nông nghiệp cùng ăn, ở và làm việc với 40.000 nông dân để sản xuất gạo hữu cơ, gạo sạch chất lượng cao. Bên cạnh đó, công ty đã ký hợp đồng mua bản quyền các giống lúa của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN như tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro sai sót, giảm chi phí vận hành, giảm số lượng lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm… Đó là nguyên nhân giải thích cho nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển đã liên tục gia tăng. Theo Bộ KH&CN, tỷ trọng nguồn vốn ngoài nhà nước trong tổng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đã tăng từ 13% (năm 2013) lên 38% (năm 2016). Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của việc xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tập trung hỗ trợ DN
Theo Bộ KH&CN, nguồn đầu tư từ DN là nguồn đầu tư lớn nhất và mạnh nhất cho KH&CN. Đây cũng là kinh nghiệm của các nước phát triển, kể cả một số nước lân cận Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc, đầu tư của DN cao gấp 3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước; hay Hàn Quốc, DN đầu tư gấp 10 lần đầu tư của nhà nước cho KH&CN.
Nhận thấy được vai trò quan trọng của việc đổi mới công nghệ tại DN, từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các DN đầu tư vào hoạt động KH&CN. Theo đó, DN muốn đổi mới công nghệ sẽ được nhà nước hỗ trợ tới 30% tổng vốn của dự án đổi mới công nghệ. Gần đây, Bộ KH&CN đã trình và được Chính phủ quyết định cho triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, đồng thời cho phép thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Từ góc độ của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật liên quan để thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, đồng thời nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và hấp thụ công nghệ của các DN, đặc biệt là DN sản xuất, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng KH&CN và môi trường kinh doanh để thúc đẩy các DN FDI đầu tư chuyển giao công nghệ cũng như triển khai hoạt động thiết kế, chế tạo tại Việt Nam thay vì tăng cường gia công, lắp ráp sử dụng lao động giá rẻ.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung tuyên truyền và hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. |
Nguồn: Báo Công Thương