Giúp ngành điện đạt kết quả tốt hơn
Nghiên cứu mới này của McKinsey & Company đã đánh giá cách thức để Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình với chi phí thấp nhất, cơ hội thu hút nguồn vốn tốt nhất, ít ảnh hưởng nhất đến ngân sách công và rủi ro thấp nhất.
Công ty McKinsey & Company họp báo công bố nghiên cứu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam |
Ông Marco Breu, Tổng Giám đốc McKinsey & Company Việt Nam cho biết, là một trong 18 nền kinh tế mới nổi có sự phát triển vượt bậc theo chúng tôi đánh giá trên toàn cầu, Việt Nam cần nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh của mình về năng lượng để duy trì tăng trưởng. Con đường mà Việt Nam chọn để nâng cao năng lực đó sẽ có những tác động sâu rộng đến tiềm năng tăng trưởng GDP, thương mại, vấn đề môi trường và an ninh năng lượng.
Nghiên cứu đã cho thấy, năng lượng tái tạo có tiềm năng trở thành một phương án với chi phí thấp nhất giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước. Bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cùng với xu hướng giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu của điện mặt trời và điện gió trong vòng 5 năm qua.
Trong đó giá vốn điện mặt trời giảm 75% và điện gió giảm 30%, đã đưa năng lượng tái tạo trở thành một nguồn cung cấp điện năng có chi phí dễ chấp nhận hơn so với các nguồn nhiệt điện truyền thống về dài hạn.
Nghiên cứu cũng cho rằng con đường dựa trên năng lượng tái tạo sẽ có thể giúp ngành điện Việt Nam đạt kết quả tốt hơn so với xu thế hiện nay. Cụ thể, tổng giá thành điện từ năm 2017 đến 2030 sẽ giảm 10%, chủ yếu nhờ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu do giảm sản xuất nhiệt điện tiêu tốn nhiều nhiên liệu ở mức độ cao
Bên cạnh đó, phát thải khí nhà kính và chất hạt năm 2030 giảm 33%, nhờ đó sẽ có lợi cho sức khỏe và nâng cao năng suất. Đồng thời, nhu cầu nhiên liệu và nhập khẩu cho con đường dựa trên năng lượng tái tạo lần lượt thấp hơn 28% và 60% so với con đường truyền thống. Nhờ đó sẽ có thể giảm đáng kể sự lệ thuộc của Việt Nam vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng có thể tạo ra tới 465.000 việc làm mới.
Thời điểm quyết định đầu tư
Khai thác năng lượng tái tạo đang là xu hướng chung trên thế giới để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch vốn đang dần cạn kiệt, và hơn nữa là hạn chế sự biến đổi đến mức cực đoan của khí hậu. Việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng.
Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu |
Ông Antonio Castellano, Giám đốc Hợp danh kiêm Trưởng ban Điện năng - Khí tự nhiên khu vực Đông Nam Á của McKinsey & Company khẳng định, không có phép màu nào để giải quyết các khó khăn của Việt Nam về năng lượng. Khả năng đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh trong khi vẫn duy trì được mức giá thành thấp sẽ phụ thuộc vào việc tạo lập cơ sở hạ tầng tài chính và thể chế hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo.
Sách trắng cũng phân tích các yếu tố then chốt để có thể tạo thuận lợi cho con đường dựa trên năng lượng tái tạo. Đó là tạo ra các điều kiện thị trường thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực quốc gia trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn có sự hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế có năng lực, nâng cao vai trò của lĩnh vực sản xuất điện từ khí đốt thiên nhiên trong tổng quy hoạch điện quốc gia.
“Đây là một thời điểm quyết định đối với Việt Nam. Năng lượng tái tạo có tiềm năng trở thành lựa chọn có chi phí thấp nhất đối với Việt Nam để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình” - ông Castellano nói và nhấn mạnh, hành động ngày hôm nay để tạo nền tảng cho phát triển năng lượng tái tạo sẽ đem lại cho Việt Nam tiềm năng để có được một tương lai ít tốn kém hơn, sạch hơn, an ninh năng lượng cao hơ
Nguồn: Báo công thương